Không phân loại, vứt bỏ rác sai chỗ

Người Đức rất coi trong việc phân loại rác, xem đó như nghĩa vụ của mỗi người để bảo vệ môi trường, giúp dễ tái chế rác hơn. Nếu bạn phân loại rác không đúng, rác sẽ không được thu gom và có thể bị phạt tiền.

Quy định ý nghĩa màu sắc thùng/bịch đựng rác có thể khác nhau theo từng vùng ở Đức. Các màu quy định thường dùng là màu xanh dương/da trời, vàng, xanh lá cây, đen.

Các loại chai thường có tiền cọc khi mua, sau khi dùng hết, bạn có thể trả lại cửa hàng nơi bán hoặc bỏ vào các máy có ký hiệu PET đặt ở hầu hết các siêu thị lớn, và nhận lại tiền cọc.

Rác cồng kềnh (như đồ nội thất, thảm, sofa…), rác đặc biệt chứa những thành phần độc hại (như pin, thiết bị điện cũ, hỏng…) phải được để riêng, xử lý tại các điểm thu gom đặc biệt.

       Cho dù sinh sống và định cư ở Đức bao nhiêu lâu, bạn chỉ được coi là công dân Đức nếu biết… phân loại và xử lý rác đúng cách.

Không lái xe ở làn bên trái trên Autobahn

Đức nổi tiếng thế giới về Autobahn - “thiên đường tốc độ”, hệ thống đường cao tốc quy mô, hiện đại hàng đầu thế giới với tổng chiều dài gần 13.000km, tốc độ lên tới trên 200 km/h. Autobahn cần đến những điều luật khắt khe về tốc độ, công nghệ hiện đại… để vận hành, hạn chế tối đa các tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Ngoài các hướng dẫn, biển báo… quy định trên đường, bạn cần lưu ý kỹ: chỉ sử dụng làn bên trái ngoài cùng khi nào bạn cần vượt xe, khi đã vượt xong thì phải quay lại làn bên trong. Làn vượt xe là nơi các xe tăng tốc để vượt qua những xe khác, vì thế tốc độ sẽ rất cao.

       Việc cố tình đi ở làn trái ngoài cùng để xe đi nhanh hơn và không cho xe phía sau vượt, bạn sẽ vi phạm luật giao thông và phải chịu phạt.

Không đi bộ trên làn xe đạp

Việc sử dụng xe đạp để di chuyển từ nơi này đến nơi khác là việc rất bình thường tại Đức. Ngoài tàu điện có đường ray riêng, Đức phổ biến nhất là xe ô tô, bus và xe đạp. Các loại phương tiện đều được phân chia tuyến đường riêng biệt.

Các làn đường đi cho xe đạp sẽ được phủ một lớp màu hoặc lát gạch để phân biệt. Người Đức chạy xe đạp rất nhiều, vì vậy không nên đi bộ vào đường xe đạp.

       Ở Đức, thức uống có cồn cũng bị cấm dùng ngay cả khi bạn chạy xe đạp

Không gọi trực tiếp tên khi gặp lần đầu

Khi gặp gỡ lần đầu, người trưởng thành xưng hô với nhau bằng ngôi “Sie” (lịch sự). Nếu người đối diện muốn xưng hô bằng ngôi “Du” (thân mật), người đó sẽ đề nghị với bạn. Nếu một người trưởng thành xưng hô với bạn bằng ngôi “Du”, bạn cũng có thể xưng hô “Du” với người đó.

       Bạn luôn có thể nói chuyện với trẻ con bằng ngôi “Du”.

Không sử dụng phương tiện giao thông công cộng khi không có vé

Các phương tiện giao thông công cộng tại Đức vận hành dựa trên sự tin tưởng của người dùng, xác minh theo nguyên tắc “trust but verify”. Bạn không bao giờ biết khi nào người soát vé với quần áo đơn giản, đột nhiên nháy phù hiệu của họ và nói những từ đáng sợ: “Fahrkarten bitte!” (Vé, xin vui lòng!). Nếu bị phát hiện không có vé hợp lệ, bạn sẽ bị phạt ngay tại chỗ từ 40 € đến 60 €, trong khi giá vé 1 chiều khoảng 2,8 €.

       Lưu ý chó và xe đạp phải mua vé riêng.

Không sử dụng kiểu chào “Nazi Salute”

Đức ban hành luật nghiêm ngặt về ngôn từ thù địch và những biểu tượng liên quan đến Đức quốc xã, chế độ thống trị Đức từ năm 1933 - 1945. “Nazi salute” là kiểu chào khi một người dùng cánh tay tay phải đưa thẳng và hướng lên, liên quan đến hình ảnh kiểu chào “Heil Hitler”, thể hiện sự trung thành với Hitler.

       Sử dụng kiểu chào này bị xem là một hành vi phạm tội không chỉ ở Đức mà còn ở một số nước châu Âu khác như Áo, Ý, Ba Lan... Việc trưng bày các biểu tượng của Đức quốc xã ở Đức có thể bị phạt đến 3 năm tù.

Không nói tiêu cực ở đám đông

Người Đức rất thẳng thắn và trung thực. Họ nói những gì họ nghĩ và họ nghĩ những gì họ nói. Những vấn đề gút mắc hay bất đồng được giải quyết trực tiếp, không mang tính cá nhân. Lý tưởng nhất là trao đổi hết một cách thân thiện, điềm đạm và hướng tới giải pháp.

       Hãy thẳng thắn, khách quan khi giao tiếp. bạn có thể hỏi nếu bạn không hiểu hoặc không biết điều gì.

Không làm phiền vào giờ riêng tư

Người Đức phân biệt rạch ròi giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Đặc biệt, khoảng thời gian buổi tối từ 10pm - 7am sáng hôm sau, cả ngày chủ nhật là thời gian họ muốn nghỉ ngơi. Nếu bạn làm ồn, ảnh hưởng đến họ, họ sẽ gọi cảnh sát “hỏi thăm” bạn. Thường thì các quán ăn, nhà hàng cũng đóng cửa vào chủ nhật.

       Bạn cần lưu ý giữ yên tĩnh vào thời gian riêng tư.

Không chúc mừng sinh nhật sớm

Trong văn hóa chúc mừng sinh nhật của người Đức, chúc mừng sớm là một điềm không may, sự xui xẻo đến với người sinh nhật đó. Kể cả chúc sớm một vài phút, họ cũng không thích chút nào. Người Đức thường mời bạn bè đến nhà của mình ăn uống vào buổi tối ngay trước ngày sinh nhật.

       Chỉ khi đồng hồ điểm đúng 0 giờ sáng hôm sau, nhân vật chính mới nhận những lời chúc mừng từ bạn bè của mình.

Không thanh toán bằng thẻ tín dụng

Thật lạ, Đức là một trong những nước tiên tiến dùng tiền mặt nhiều nhất. Theo báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về cách người tiêu dùng chi trả cho các món hàng ở 7 nước, trung bình, ví của dân Đức giữ gần gấp đôi số tiền mặt (khoảng 107 Euro) so với người Úc, Mỹ, Pháp, Hà Lan... Gần 80% giao dịch ở Đức được thực hiện bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, sau đại dịch virus Corona, người Đức bắt đầu có xu hướng thay đổi, ít nhận thanh toán tiền mặt nhưng vẫn chưa thực sự hoàn toàn.

       Khi ở Đức, bạn nhớ đem theo tiền mặt bên người vì sẽ có những cửa hàng không nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng.

Không mời khách uống nước lọc

Với người Đức, mời khách uống ly nước lọc là điều không được lịch sự. Tối thiểu họ cũng phải mời uống nước lọc chai hoặc uống nước có ga.

       Nước lọc không được cung cấp miễn phí trong các nhà hàng, quán ăn ở Đức.

Không mặc đồ trong phòng xông hơi

Văn hóa khỏa thân, Freikörperkultur (FKK) tồn tại lâu đời ở Đức. Từ cuối thế kỷ 19, nhiều người dân nước này tin rằng không mặc quần áo - dù là đồ lót, khi bơi lội sẽ có lợi cho sức khỏe.

Tổ chức về FKK đầu tiên ở Đức được thành lập năm 1898, hướng tới việc chăm sóc và cải thiện sức khỏe. Sau đó, văn hóa này nhanh chóng phổ biến ở các vùng lân cận Berlin, vùng biển Bắc và biển Baltich.

       Khách không được phép mặc đồ bơi hay đồ lót trong phòng xông hơi tại Đức, nếu không những người xung quanh có thể gọi bảo vệ để yêu cầu bạn ra khỏi phòng.

Không để xe đẩy hàng bừa bãi

Ở Đức, bạn phải bỏ xu vào xe đẩy hàng thì mới sử dụng được. Sau khi sử dụng xong, bạn phải để vào đúng vị trí, bạn sẽ lấy lại được tiền cọc đã bỏ vào lúc ban đầu.

Không nói hoặc la lớn tiếng

Bạn không nên nói hoặc lớn tiếng khi ở những nơi có thể gây ảnh hưởng đến người khác tại các nơi công cộng như trong nhà hàng hoặc trên tàu.

Không nên trễ giờ hẹn

Người Đức nổi tiếng rất đúng giờ trong mọi hoạt động của cuộc sống, công việc, học hành. Có thể so sánh người Đức như một cái đồng hồ. Nếu người Đức nói đúng giờ, tức là không muộn hơn và cũng không sớm hơn. Nếu bạn đến muộn để thể hiện cấp bậc của mình thì sẽ phản tác dụng.

       Muốn làm việc lâu dài với người Đức, đặc biệt là sinh sống và làm việc tại Đức, cần phải hình thành thói quen đúng giờ.

Không có từ “nhưng”

Người Đức không bao giờ thích có từ “nhưng” trong công việc. Khi đã lên kế hoạch thì đã tính toán tới tất cả các yếu tố có thể xảy ra.

·       Một khi công việc không hoàn thành, tức là kế hoạch thất bại chứ không đổ lỗi do hoàn cảnh khách quan nào đó.

Không nên phá vỡ nguyên tắc

Người Đức làm việc rất nguyên tắc, đến nỗi bạn sẽ thấy như dập khuôn và kém sự linh động. Nhưng không phải vậy, họ đã làm ra một lộ trình các công việc để đảm bảo mọi việc luôn theo từng giai đoạn. Làm việc theo các giai đoạn sẽ giúp họ dễ dàng kiểm soát hơn.

       Việc phá bỏ một vài giai đoạn có thể khiến công việc nhanh hơn trong vài trường hợp, nhưng nếu xảy ra sự cố, bạn sẽ không biết lỗi ở đâu và giải quyết như thế nào.

Không được làm “chui”

Làm việc chui, không có giấy phép lao động là vi phạm luật thuế và luật bảo hiểm xã hội ở Đức.

       Trong trường hợp đi làm “chui”, luật pháp Đức quy định việc phạt tiền, thậm chí là phạt tù đối với cả chủ và người lao động.

Không bạo lực với trẻ nhỏ

Việc bạo lực với trẻ em, phạt đòn roi, kể cả ở nhà hay ở trường học đều là hình thức dạy dỗ không được chấp nhận, sẽ bị phạt.

       Theo luật pháp Đức: “Trẻ em có quyền nhận sự dạy dỗ không bạo lực. Các hình thức phạt đòn roi, tổn thương tâm lý và biện pháp xỉ nhục là không được phép”.

Không cho vật nuôi ăn nếu chưa hỏi chủ

Việc nuôi động vật được quy định bởi luật bảo vệ động vật. Kể cả có muốn thân thiện với hàng xóm, bạn cũng không nên cho vật nuôi của họ ăn mà không hỏi trước. Nếu con vật bị lôi cuốn bởi bạn mà không thường xuyên về nhà hoặc không về nhà, điều này có thể bị xem là một sự xâm phạm quyền sở hữu cá nhân và có thể bị kiện dân sự.

Một số công viên, vườn thú có ghi sẵn là các con vật ở đó được vuốt ve, hay cho ăn.

        Tập nhìn các biển chỉ dẫn với vật nuôi khi đi vào nơi công cộng, nếu không hiểu thì không nên làm bừa.