.jpg?r=1sce4)
Tại sao cần có tài khoản bị phong tỏa?
Nếu bạn đang chuẩn bị đến Đức để học các khóa học ngôn ngữ, du học nghề…, bạn cần phải mở tài khoản bị phong tỏa!
Vì sao? Trước khi bắt đầu du học, bạn phải chứng minh rằng bạn có đủ tiền. Bạn cần có một "bằng chứng tài chính". Điều đó thể hiện qua tài khoản bị phong tỏa. Tài khoản này thường phải được cung cấp khi bạn nộp đơn xin visa nhập cảnh và là điều kiện tiên quyết khi bạn xin giấy phép cư trú tại Đức.
Tài khoản bị phong tỏa nhằm đảm bảo bạn có đủ số tiền để trang trải các chi phí sinh hoạt, chi phí phát sinh trong suốt thời gian ở lại Đức trong một năm, trừ khi có bằng chứng hỗ trợ tài chính khác trong thủ tục xin visa.
Đây là tài khoản đặc biệt mà chủ tài khoản không thể truy cập tự do. Sinh viên phải nộp số tiền tối thiểu theo quy định của pháp luật vào tài khoản bị phong tỏa. Số tiền này sẽ bị phong tỏa cho đến khi chủ tài khoản đến Đức.
Nói chung, nếu bạn đến từ các quốc gia bên ngoài EU và bạn không được tài trợ từ phía Đức, bạn sẽ cần một tài khoản bị phong tỏa.
Số tiền cần có trong tài khoản bị phong tỏa là bao nhiêu?
Tài khoản bị phong tỏa áp dụng với sinh viên nước ngoài và là bằng chứng về nguồn tài chính để lưu trú tại Đức. Bạn phải xuất trình bằng chứng về điều này tại Đại sứ quán Đức khi bạn nộp đơn xin visa tại nước sở tại.
Số tiền tối thiểu cần có trong tài khoản bị phong tỏa là bao nhiêu? Lưu ý rằng, mỗi năm, tổng số tiền trong tài khoản bị phong tỏa có thể tăng lên. Một số mức giá tiêu chuẩn được áp dụng dựa trên mức giá dành cho sinh viên Đức. Do đó, bạn phải chú ý luôn cập nhật thông tin.
Từ ngày 1/1/2021, yêu cầu số tiền tối thiểu phải nộp vào tài khoản bị phong tỏa khi nộp đơn xin visa lên tới 10.332 euro. Sinh viên sau khi đến Đức, được phép rút số tiền 861 euro hằng tháng. (Năm 2020, số tiền yêu cầu khi mở tài khoản phong tỏa là 10.236 euro, sinh viên được phép rút số tiền 853 euro hằng tháng).
Tất nhiên, bạn vẫn có thể chuyển nhiều hơn số tiền 10.332 euro. Vì Chính phủ Đức muốn bạn có đủ tài chính để sống ở Đức trong ít nhất một năm.
Tài khoản bị phong tỏa là một tài khoản ngân hàng đặc biệt mà chủ sở hữu không có quyền truy cập cho đến khi đến Đức. Ngay cả sau khi đến, sinh viên không được rút nhiều tiền hơn số tiền tối thiểu là 861 euro, trừ khi số tiền cao hơn đã được chuyển vào tài khoản.
Điều gì xảy ra nếu đơn xin visa du học bị từ chối?
Bằng chứng về nguồn tài chính thường phải được cung cấp khi bạn xin visa nhập cảnh và là điều kiện tiên quyết khi bạn xin giấy phép cư trú tại Đức.
Nếu đơn xin visa của bạn bị Đại sứ quán Đức tại nước sở tại từ chối, bạn sẽ được hoàn lại tiền trong tài khoản bị phong tỏa. Bạn liên hệ trực tiếp với nhà cung cấp tài khoản bị phong tỏa hoặc đến Đại sứ quán Đức tại quốc gia của bạn và tìm hiểu những gì bạn cần phải nộp để lấy lại tiền của mình. Tuy nhiên, xin lưu ý rằng phí chuyển tiền không được hoàn lại.
Các nhà cung cấp mở tài khoản phong tỏa ở Đức
Tài khoản phong tỏa tại ngân hàng ở Đức dành cho sinh viên yêu cầu xin visa phải được mở trước khi nộp đơn xin visa Đức.
Tại Đức, bạn có thể mở tài khoản phong tỏa tại các ngân hàng như: Coracle; Deutschebank; Fintiba…
Vài năm gần đây, ngày càng có nhiều tùy chọn để mở tài khoản phong tỏa tại một số quốc gia để đơn giản hóa quy trình cấp visa cho sinh viên nước ngoài. Tại Việt Nam, bạn có thể mở tài khoản phong tỏa tại Ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank). Bạn liên hệ Vietinbank để được hướng dẫn cụ thể, cung cấp các giấy tờ cần thiết cho việc mở tài khoản bị phong tỏa.
.jpg?r=1to25)
Khi nào bạn có thể rút tiền từ tài khoản bị phong tỏa của mình?
Ngay sau khi bạn đã đến Đức, đã ổn định tại một địa chỉ đăng ký lưu trú, bạn có thể rút tiền từ tài khoản bị phong tỏa của mình. Tuy nhiên, lưu ý rằng bạn không có quyền truy cập trực tiếp vào tài khoản của mình ở Đức. Cách duy nhất bạn có thể rút tiền là mở một tài khoản ngân hàng dành cho sinh viên quốc tế ở Đức, nơi số tiền bị phong tỏa của bạn sau đó sẽ được chuyển đến hằng tháng.
Hiện tại, bạn có thể rút tối đa 861 euro mỗi tháng, trừ khi bạn đã gửi nhiều tiền hơn mức yêu cầu ban đầu. Số tiền này sẽ được chuyển từ tài khoản phong tỏa của bạn sang tài khoản thông thường (hoặc tài khoản ngân hàng sinh viên quốc tế), từ đó bạn có thể rút tiền thoải mái.
Bạn sẽ phải đích thân đến chi nhánh ngân hàng ít nhất một lần để kích hoạt tài khoản của mình.