Cộng hòa Liên bang Đức theo chế độ liên bang. Chính vì thế, giáo dục ở Đức chủ yếu thuộc phạm vi quản lý, trong thẩm quyền của mỗi bang, chính quyền liên bang chỉ đóng một vai trò nhỏ. Việc tổ chức hệ thống giáo dục có một số khác biệt giữa các bang.

Mầm non (Kindergarten): Là tùy chọn cho tất cả trẻ em từ 3 - 6 tuổi.

Tiểu học (Grundschule): Đến 6 tuổi, trẻ em tại Đức sẽ nhập học vào trường tiểu học (Grundschule), thường kéo dài 4 năm, từ lớp 1 - lớp 4. Riêng ở Berlin và Brandenburg, bậc tiểu học kéo dài đến 6 năm. Cha mẹ có nhiều lựa chọn về trường học cho con cái. Hầu hết trường tiểu học ở Đức là trường công lập và trường công lập thì miễn phí. Ngoài ra, còn có các trường đặc biệt như trường Montessori, các trường của nhà thờ, các trường tư thục.

Cuối bậc tiểu học, giáo viên thường tổ chức các khóa định hướng cho học sinh của mình tùy theo năng lực học tập của các em và mong muốn của gia đình. Mục đích là để học sinh tiểu học có sự lựa chọn trường trung học thích hợp cho mình.

Trung học

Giáo dục trung học gồm bốn loại trường với các mức độ học thuật khác nhau:

- Gynasium (“trường khoa học”): Dành cho học sinh khá giỏi, mong muốn vào học đại học. Để được vào học Gynasium, ở một số bang, học sinh phải đủ điểm hoặc qua kỳ thi tuyển sinh mới được vào học. Học sinh học từ lớp 5 - lớp 12, thậm chí có cả lớp 13 tùy bang. Chương trình học khá nặng về lý thuyết (các kiến thức khó trong các môn toán, khoa học). Hệ này kết thúc là kỳ thi tốt nghiệp (Abitur). Sau khi tốt nghiệp Gymnasium, học sinh nhận được bằng tốt nghiệp và chuẩn bị lên học Đại học hoặc Đại học ứng dụng.

- Realschule (“trường cơ bản”): Dành cho học sinh khá. Học từ lớp 5 - lớp 10 hoặc lớp 11 tùy theo bang. Hệ Realschule, ở một số bang, học sinh phải đủ điểm hoặc qua kỳ thi tuyển sinh mới được vào học. Học sinh sẽ được giảng dạy những kiến thức học thuật căn bản. Hệ này kết thúc với kỳ thi tốt nghiệp (Mittlere Reife). Tốt nghiệp xong, học sinh có thể chọn học trường nghề bán thời gian hoặc trường nghề chuyên nghiệp. Nếu học sinh có điểm số cao tại tại trường Realschule, có thể được chuyển qua trường Gymnasium sau khi tốt nghiệp.

- Hauptschule (“trường thực hành”): Dành cho học sinh trung bình trở xuống. Học từ lớp 5 - lớp 9 ở hầu hết các bang. Loại trường trung học này ít hàn lâm nhất và thiên về chuẩn bị cho dạy nghề. Tại các trường này, học sinh sẽ học các môn như ở Gymnasium hoặc Realschule nhưng với tốc độ chậm hơn. Hauptschule phù hợp cho học sinh có định hướng tham gia các khóa đào tạo nghề. Học xong lớp 9, hệ này có kỳ thi tốt nghiệp (Hauptschulabschluss). Sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp, phần lớn học sinh chuyển đến học tại Berufsschule, một loại trường nghề trong 2 năm.

- Gesamtschule (“trường tổng hợp”): Ở nhiều bang, có thêm các loại hình trường Gesamtschule, là trường kết hợp cả dạng Realschule và Hauptschule. Nếu học sinh tốt nghiệp trường Gesamtschule ở lớp 9 thì sẽ nhận bằng Hauptschule. Nếu tốt nghiệp lớp 10 thì sẽ nhận bằng Realschule. Trường Gesamtschule có thể tổ chức chương trình dự bị đại học cho học sinh ưu tú, chương trình phổ thông cho học sinh trung bình, chương trình đơn giản cho học sinh ít có khả năng hơn.

Tuy giáo dục trung học có 4 hệ đào tạo khác nhau nhưng tính liên thông giữa các loại hình trường được đảm bảo về cơ bản khi thoả mãn các điều kiện được thỏa thuận. Học sinh sau khi được phân cấp ở phía dưới, dựa vào kết quả học tập, sẽ tiếp tục chương trình của mình. Cụ thể:

- Các bạn tốt nghiệp các trường Gymnasium, có thể học tiếp lên Đại học.

- Các bạn tốt nghiệp Realschule, Gesamtschulen hoặc Hauptschule có điểm giỏi, có thể theo con đường học nghề, học nghề đào tạo kép.

Trường nghề (Berufsschule)

Hệ thống trường nghề, gọi là Berufsschule, kéo dài từ 2 - 3,5 năm, dành cho những bạn muốn học nghề, sau khi hoàn thành cấp trung học. Berufsschule được đầu tư và bảo trợ bởi chính phủ liên bang. Một hệ thống đặc biệt của trường nghề gọi là đào tạo nghề kép (Duale Ausbildung), cho phép học sinh vừa được đào tạo khóa học nghề trong một công ty, vừa được đào tạo ở trường nhà nước.

Các bạn đang học nghề, muốn lên học đại học, có thể đầu tư để học thêm, sau đó có thể lên học đại học như bình thường.

Đại học

Hệ thống giáo dục đại học của Đức được xây dựng theo hai loại hình đào tạo, đó là các trường đại học tổng hợp và các trường đại học khoa học ứng dụng.

- Đại học tổng hợp (Universität): Các trường đại học tại Đức có nhiều khóa học trải rộng trên hầu hết lĩnh vực và tập trung vào nghiên cứu và giảng dạy. Những trường này thường giảng dạy theo hướng truyền thống và hàn lâm. Hệ thống trường này luôn đóng vai trò nòng cốt trong giáo dục đại học Đức từ trước đến nay.

- Đại học khoa học ứng dụng (Fachhochschule): Các trường đại học khoa học ứng dụng tập trung nhiều hơn vào việc thực hành và ứng dụng trong quá trình học tập. Sinh viên được quan sát thực tế, làm các đề tài ở các doanh nghiệp. Chương trình đào tạo định hướng thực tiễn, chuyên sâu vào kiến thức nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn. Chương trình đào tạo luôn được tổ chức, sắp xếp chặt chẽ.

Hệ thống giáo dục ở Đức tuy chặt chẽ nhưng là một hệ thống mở, học sinh có thể thay đổi loại hình đào tạo, chương trình học theo khả năng của bản thân. Ngày nay, rất nhiều học sinh sau khi học xong trung học phổ thông, có xu hướng chọn tham gia chương trình đào tạo nghề kép, một chương trình kết hợp giữa học kiến thức và thực hành tại các doanh nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ cả kiến thức lẫn kỹ năng để tìm được một công việc tốt trong tương lai.

Xu hướng này không chỉ phát triển sâu rộng ở Đức từ lâu mà còn có sức thu hút đối với các du học sinh từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chương trình đào tạo nghề kép thường bao gồm 30% lý thuyết, 70% thực hành. Các du học sinh không phải đóng học phí, mà còn được nhận trợ cấp. Chính vì vậy, đây là thị trường du học trong những năm gần đây được nhiều học sinh hướng tới, phù hợp với điều kiện kinh tế của đa phần các gia đình Việt Nam.