Hợp đồng đào tạo nghề là gì?

Trước khi bạn ký hợp đồng đào tạo nghề và thời gian học nghề bắt đầu, bạn cần phải nộp đơn vào một doanh nghiệp hoặc cơ sở đào tạo nào đó để học công việc mơ ước của mình. Các bên quan tâm cũng có thể tìm hiểu nghề nào phù hợp nhất với hồ sơ của bạn.

Khi đã tìm được vị trí phù hợp và phỏng vấn thành công, bước tiếp theo là ký hợp đồng đào tạo.

Hợp đồng đào tạo nghề là hợp đồng giữa cơ sở đào tạo và người học nghề.

Bạn với tư cách là người học nghề và công ty tương lai của bạn với tư cách là cơ sở đào tạo phải ký kết hợp đồng đào tạo chậm nhất trước khi bắt đầu khóa đào tạo. Hợp đồng phải được giao kết bằng văn bản; không bao gồm hình thức điện tử. Điều này được xác định bởi Mục 11 của Đạo luật Đào tạo nghề (Berufsbildungsgesetz - BBiG).

Ghi tên vào sổ đăng ký của cơ quan có thẩm quyền

Sau khi những người liên quan đã ký kết, công ty đào tạo trong tương lai của bạn sẽ gửi hợp đồng đào tạo đến cơ quan có trách nhiệm. Ví dụ: Phòng Công nghiệp và Thương mại (Industrie und Handelskammer - IHK) hoặc Phòng Thủ công mỹ nghệ (Handwerkskammer - HWK). Ở đó, hợp đồng được kiểm tra xem có tuân thủ các yêu cầu và quy định của pháp luật hay không.

Sau đó, hợp đồng được đăng ký trong một danh bạ, đóng dấu và gửi lại cho công ty đào tạo của bạn. Bạn sẽ nhận lại hợp đồng đào tạo đã đóng dấu. Điều này đảm bảo rằng, hợp đồng đào tạo của bạn đã được kiểm tra, công ty của bạn phù hợp với việc đào tạo và việc thực hiện đào tạo của bạn được giám sát bởi cơ quan có thẩm quyền.

Mỗi học viên phải đảm bảo rằng hợp đồng đào tạo nghề đã được ký kết và được xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền. Điều này rất quan trọng, bởi vì trong trường hợp xấu nhất, việc không đăng ký có thể khiến học viên bị từ chối kỳ kiểm tra cuối khóa đào tạo.

Công ty đào tạo cũng bị xử phạt vì sơ suất này, thậm chí phải trả một khoản tiền phạt không nhỏ.

Hợp đồng đào tạo có nội dung gì?

Bạn nên có hợp đồng đào tạo bằng văn bản trước khi bạn bắt đầu khóa đào tạo. Đây là cách duy nhất để biết những gì mong đợi trong khóa đào tạo, những quyền và nghĩa vụ bạn có trong khóa đào tạo.

Đạo luật Đào tạo nghề (BBiG) của Đức quy định những gì phải có trong hợp đồng đào tạo. Chẳng hạn như: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, địa chỉ của học viên; Tên và địa chỉ của cơ sở đào tạo; Nghề đào tạo, nội dung đào tạo; Ngày ký hợp đồng đào tạo; Cơ cấu thời gian đào tạo; Các biện pháp và địa điểm đào tạo bên ngoài cơ sở đào tạo (đào tạo nghề kép); Thời gian thử việc; Thời gian đào tạo bình thường hằng ngày; Thanh toán và số tiền trợ cấp đào tạo; Thời gian của kỳ nghỉ phép; Điều kiện chấm dứt hợp đồng…

Đây là những yêu cầu tối thiểu có trong hợp đồng đào tạo theo quy định pháp luật. Học viên và công ty đào tạo cũng có thể thỏa thuận những điểm khác, miễn là không vi phạm pháp luật.

Thời gian thử việc

Hợp đồng đào tạo cũng như hợp đồng lao động đều có thời gian thử việc được xác định, trong đó cả hai bên tự thuyết phục với đối tác của mình về cách làm việc, năng lực của mình trong thời gian đầu.

Thời gian thử việc theo quy định của hợp đồng đào tạo nghề có thể kéo dài từ hai tháng đến bốn tháng, giới hạn tối đa là bốn tháng.

Trong giai đoạn thử việc này, cả công ty đào tạo và học viên được phép chấm dứt quan hệ đào tạo mà không cần báo trước. Nhưng điều này phải được thực hiện bằng văn bản.

Về nguyên tắc, cũng có thể kéo dài thời gian thử việc đã thỏa thuận trong hợp đồng đào tạo. Tuy nhiên, điều này có liên quan đến việc học viên vắng mặt một thời gian dài trong thời gian thử việc, ví dụ như do nghỉ bệnh lâu hơn, do đó, việc đánh giá của học viên không thể được thực hiện đầy đủ.

Thủ tục kéo dài thử việc này cũng phải tuân theo một thỏa thuận.

Thời gian học nghề

Thời gian đào tạo nghề kép, tức là học song song trong một công ty và một trường dạy nghề, thường mất từ 3 - 3,5 năm.

Các khóa đào tạo nghề khác thường chỉ kéo dài 2 năm. Sau thời gian đào tạo này, học viên có cơ hội bắt đầu vào một công việc việc làm đã được ký kết.

Trong những điều kiện nhất định có thể rút ngắn thời gian này, khóa đào tạo có thể được rút ngắn từ 6 - 12 tháng, khi học viên đã có các bằng cấp phù hợp với công việc.

Vì mục đích này, hợp đồng đào tạo phải được nộp cho Phòng Công nghiệp và Thương mại (IHK) hoặc Phòng Thủ công mỹ nghệ (HWK) để kiểm tra xem thời gian đào tạo có đảm bảo nội dung và yêu cầu đào tạo không.

Thời gian làm việc

Thời gian làm việc là khoảng thời gian học viên làm việc cho công ty không nghỉ. Thời gian một nhân viên được phép làm việc hằng ngày, hằng tuần được quy định trong Đạo luật về Giờ làm việc (Arbeitszeitgesetz - ArbZG). Ngoài ra, các thỏa ước tập thể khác nhau, được ký kết đối với các ngành nghề và lĩnh vực khác nhau, sẽ xác định thời gian làm việc tối đa. Thời giờ làm việc khác nhau cũng được áp dụng tùy theo độ tuổi.

Công ty đào tạo có nghĩa vụ ghi lại thời gian làm việc của các học viên. Thời gian học ở trường dạy nghề có thể được bù trừ với thời gian làm việc.

Với học viên trên 18 tuổi, thời gian làm việc 48 giờ/tuần hoặc tối đa 8 giờ/ngày là được phép. Ngoại lệ, cơ quan lập pháp cũng cho phép mười giờ một ngày và 60 giờ một tuần. Tuy nhiên, để bù đắp cho điều này, thời gian làm việc trung bình trong sáu tháng tiếp theo không được dài hơn 8 giờ/ngày.

Theo quy định của pháp luật lao động, trong hợp đồng đào tạo cũng quy định việc nghỉ giải lao. Chậm nhất sau 4,5 giờ làm việc phải nghỉ giải lao ít nhất 15 phút.

Theo quy định của luật lao động, thời gian làm thêm giờ trong quá trình đào tạo phải được trả thù lao đặc biệt hoặc được bồi thường dưới hình thức bù vào thời gian nghỉ phép.

Trợ cấp đào tạo

Học viên, người học nghề có quyền được trả công thích đáng cho công việc của họ. Số tiền người học nghề nhận được mỗi tháng tùy thuộc vào nghề nghiệp đào tạo, tiểu bang ở Đức nơi học viên đang được đào tạo.

Tiền học nghề được chuyển vào tài khoản của người học nghề vào ngày làm việc cuối cùng của tháng hiện tại.

Mức trợ cấp đào tạo tối thiểu hằng tháng, quy định trong Mục 17 của Đạo luật Đào tạo nghề (BBiG) ở Đức, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Theo Mục 17 của BBiG, mức trợ cấp đào tạo cho đào tạo nghề bắt đầu từ 1/1/2020 là 515 euro/tháng trong năm đầu tiên đào tạo. Từ năm thứ hai, mức trợ cấp tăng 18% so với năm đầu tiên. Từ năm thứ ba, tăng 35% so với năm đầu tiên. Đối với những nghề có thời gian đào tạo là 4 năm thì mức trợ cấp của năm cuối cùng, tăng 40% so với năm đầu tiên.

BBiG cũng quy định, từ năm 2021 mức trợ cấp đào tạo trong năm đầu tiên sẽ tăng lên 550 euro/tháng. Từ năm 2022, tăng lên 585 euro/tháng. Từ năm 2023, tăng lên 620 euro/tháng.

Các thỏa thuận vô hiệu

Mục 12 của Đạo luật Đào tạo nghề (BBiG) quy định nội dung nào liệt kê trong hợp đồng đào tạo là không hợp lệ, xác định những thỏa thuận đó là vô hiệu.

Chẳng hạn: Thỏa thuận hạn chế học viên thực hiện hoạt động nghề nghiệp của họ trong thời gian sau khi kết thúc khóa đào tạo nghề; Yêu cầu nghĩa vụ bồi thường cho việc đào tạo nghề của học viên; Cam kết trả các khoản phạt theo hợp đồng đào tạo; Xác định mức thiệt hại theo hình thức gộp chung/xác định số tiền bồi thường một lần…

Nhìn chung, nếu có những điểm nào chưa rõ, bạn nên tham khảo trước với luật sư về các điều khoản vô hiệu trong hợp đồng đào tạo nghề.

Các nghề không áp dụng Đạo luật Đào tạo nghề

Do đặc thù của nghề nghiệp, Đạo luật Đào tạo nghề (BBiG) không áp dụng cho việc đào tạo nghề sau:

- Sức khỏe và Chăm sóc sức khỏe

- Trợ lý y tế và điều dưỡng

- Người chăm sóc

Theo đó, có các luật liên bang riêng biệt cho các nghề đào tạo này, cụ thể là Đạo luật Điều dưỡng (Krankenpflegegesetz - KrPFlG) và Đạo luật Chăm sóc Lão khoa (Altenpflegegesetz - AltPflG).