Với mục đích của thư động lực như vậy, bạn cần ghi nhớ những điều sau đây khi viết thư động lực du học ở Đức.

Đừng lặp lại những gì đã viết trong CV hoặc các thư mẫu. Bộ phận tuyển sinh của các trường luôn nhận được nhiều thư động lực từ nhiều ứng viên, họ phải đọc rất nhiều. Nếu thông tin của bạn lặp lại chính mình, điều đó sẽ làm bộ phận tuyển sinh mất thời gian. Bạn hãy đặt mình vào vị trí của họ! Bạn sẽ nhận thấy rằng, mình cần phải sáng tạo hơn, thú vị hơn hoặc táo bạo hơn trong bức thư động lực của mình.

Tạo phần giới thiệu hấp dẫn. Phần giới thiệu là phần quan trọng nhất trong thư động lực của bạn. Nó sẽ quyết định bộ phận tuyển sinh có thu hút, tiếp tục đọc toàn bộ bức thư hay không hay cảm thấy nhàm chán. Mở đầu thư động lực, hãy nêu rõ bạn là ai, tại sao bạn đủ điều kiện và động lực để học khóa học được đề cập. Bạn hãy nghĩ cách giới thiệu để nghe không sáo rỗng nhưng thông minh, hấp dẫn.

Viết dựa trên các thông tin cụ thể của trường. Khi bạn viết thư động lực, hãy nhớ ưu tiên các sở thích của mình tương quan với các chương trình do trường cung cấp. Bạn nghĩ mình sẽ được hưởng lợi như thế nào từ các chương trình bạn đăng ký học, lý do tại sao bạn có động lực tham gia các khóa học đó. Thông thường, các trường có những yêu cầu rất rõ ràng và đầy đủ trên trang web của họ. Các trường muốn biết rằng ứng viên hiểu những gì các khóa học đòi hỏi. Vì vậy, hãy đưa thông tin chi tiết về khóa học và trường vào thư của bạn bất cứ khi nào có thể.

Đừng cố gắng viết ra quá nhiều chi tiết. Có thể bạn đang cố gắng nói rất nhiều về sở thích, động lực của mình để khiến bộ phận tuyển sinh chú ý đến bạn. Nhưng nếu bạn quá hào hứng, sa đà thể hiện, việc giới thiệu có thể trở nên lộn xộn, khó hiểu. Đừng chỉ liệt kê những thành tích và kỹ năng của bạn. Bạn sẽ không còn là một ứng viên quá hấp dẫn. Vì vậy, hãy tập trung vào 1-2 điểm mạnh nhất liên quan đến các khía cạnh của khóa học bạn đang đăng ký.

Chia sẻ điều gì đó về bản thân. Chia sẻ sở thích và cảm xúc của bạn khi tham gia vào các hoạt động liên quan đến chương trình dự định học tại trường. Đây chính là điểm khác biệt trong thư động lực của bạn nếu bạn hiểu được tầm quan trọng của chủ đề này.

Đừng viết thư theo hướng hài hước. Điều bạn nghĩ là vui vẻ, hài hước, chưa chắc là người khác cũng nghĩ như vậy. Vì thế, cố gắng thật hài hước trong bức thư động lực có thể dẫn đến sai lầm, khiến bạn rớt khỏi chương trình học mơ ước của mình. Thay vào đó, hãy luôn giữ sự tích cực và thú vị trong bức thư. Khi viết, hãy đặt mình vào vị trí của người đọc, tức họ đang làm việc nghiêm túc. Có nghĩa là, hãy cho họ thấy, bạn là ứng viên có năng lực, ham học hỏi, nghiêm túc.

Hãy là chính mình. Hãy luôn đưa ra tiếng nói, suy nghĩ của bản thân bạn. Hãy kể những điều đúng của bạn và bằng giọng nói chân thật nhất của bạn! Những điều này, bộ phận tuyển sinh rất dễ nhận ra. Đừng làm bản sao của một người nào khác, không cần phải giả vờ. Nếu bạn có lý do đặc biệt để muốn học tại trường, hãy diễn đạt cho trường biết điều gì thúc đẩy bạn đăng ký khóa học tại trường.

Đảm bảo tính nhất quán. Bạn hãy luôn cố gắng giữ mạch suy nghĩ nhất quán trong toàn bộ nội dung của bức thư, không để lại bất kỳ chi tiết nào có vẻ lạc lõng hoặc không liên quan. Nếu các cụm từ hoặc diễn đạt nào phóng đại, nó sẽ gây chú ý rằng diễn đạt đó là gượng ép được đưa vào trong bức thư, bộ phận tuyển sinh có thể nghi ngờ rằng ứng viên đang nói quá.

Kết thúc bức thư một cách lịch sự. Phần kết cũng quan trọng không kém phần mở đầu. Tốt nhất, phần kết sẽ tóm tắt ngắn gọn lý do học tập của bạn và bày tỏ hy vọng được xem xét. Đừng đùa cợt để khép lại bức thư. Chỉ cần lịch sự và rõ ràng về mong muốn học tập của bạn.

Đừng viết thư động lực vào phút cuối. Điều này rất quan trọng. Bạn hãy cho bản thân mình đủ thời gian để viết nháp nhiều lần cho đến khi thư động lực thể hiện đúng tính cách của mình. Ngược lại, nếu bạn viết thư trong những ngày cuối cùng, gần thời hạn nộp đơn, bạn có thể quên những điều có giá trị về tính cách của bạn. Bắt đầu viết thư động viên của bạn, ít nhất, một tháng trước. Bằng cách đó, những ý tưởng mới có thể nảy ra với bạn và khiến bức thư của bạn trở nên đặc biệt.

Kiểm tra lại thư của bạn. Sau khi viết xong thư, hãy nhớ sửa các lỗi ngữ pháp, lỗi chính tả. Bạn có thể gửi thư động lực của bạn cho người có quan điểm mà bạn đánh giá cao và lắng nghe đề xuất của họ. Một người có tầm nhìn mới mẻ sẽ tạo cho bức thư một cái nhìn đẹp! Đừng đưa thư cho nhiều người đọc vì bạn có thể bị “đẽo cày giữa đường”.

Cấu trúc cơ bản của thư động lực. Không có quy tắc về độ dài, nhưng thư động lực không nên quá 2 trang. Bạn hãy sử dụng phần mở đầu để giới thiệu bản thân, với những lời lẽ, tính cách tích cực; phần nội dung chính nêu ra điều gì khiến bạn trở thành ứng viên phù hợp và điều gì thu hút bạn tham gia khóa học; phần kết luận để tóm tắt lại mọi ý của thư.