Nghề điều dưỡng, bạn không chỉ làm việc trong bệnh viện mà có thể ở viện dưỡng lão, trung tâm phục hồi chức năng, dịch vụ ngoại trú,… Vào các ngày cuối tuần hoặc ngày lễ, khi có những vấn đề khẩn cấp về sức khỏe của bệnh nhân, một mình bạn không thể xoay xở, giải quyết được vấn đề nghiêm trọng, hãy nhớ hai số điện thoại khẩn cấp ở Đức: 112 và 116117.
Nhưng khi nào bạn gọi 112? Khi nào gọi 116117?

Khi nào bạn gọi cấp cứu 112?
Bạn gọi dịch vụ xe cấp cứu số 112 nếu đó là trường hợp khẩn cấp của bệnh nhân nguy hiểm đến tính mạng. Các trường hợp đó có thể bao gồm các tình huống sau:
- Dấu hiệu của một cơn đau tim (đau ngực dữ dội, khó thở, đổ mồ hôi lạnh)
- Dấu hiệu của đột quỵ (suy giảm thị lực, méo mặt, các triệu chứng tê liệt…)
- Tai nạn thương tích nghiêm trọng/mất nhiều máu.
- Ngất xỉu/bất tỉnh
- Sốc dị ứng (sốc phản vệ).
- Cơn đau dữ dội.
- Vết bỏng nặng
- Cơn hen suyễn/thuyên tắc phổi (khó thở…)
Về cơ bản, trong mọi trường hợp khẩn cấp, xe cấp cứu 112 sẽ được điều đến. Nếu thông tin bạn cung cấp càng rõ ràng, cụ thể hơn, sẽ hỗ trợ cho các chuyên gia, bác sĩ đi cùng xe cấp cứu chuẩn bị sẵn phương án cấp cứu, thậm chí là các trang thiết bị đi cùng xe cấp cứu cho các trường hợp cấp tính cụ thể.
Khi nào bạn gọi dịch vụ y tế 116117?
Trong những trường hợp khẩn cấp nhưng không nguy hiểm đến tính mạng, bạn có thể gọi số 116117. Đây là tổng đài của dịch vụ y tế theo cuộc gọi, nơi đây sẽ giới thiệu cho bạn các địa chỉ hay số điện thoại bác sĩ tư vấn sức khỏe để bạn thuận tiện liên hệ, sau đó bạn có thể đưa người bệnh đến khám nếu cần.
Trong một số trường hợp, dịch vụ y tế theo yêu cầu sẽ đến tận nhà nếu tình trạng sức khỏe của người cần chăm sóc không cho phép đến phòng khám hoặc cơ sở y tế.
Các trường hợp điển hình có thể gọi số 116117:
- Cảm lạnh
- Nhiễm trùng giống cúm với sốt và đau.
- Viêm đường họng, mũi và tai.
- Ngộ độc đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn mửa).
- Đau nửa đầu…
Cần cung cấp thông tin gì khi gọi dịch vụ khẩn cấp?
Khi thực hiện một cuộc gọi khẩn cấp, mỗi giây trôi qua thường có giá trị rất lớn liên quan đến sức khỏe người cần cấp cứu. Do đó, thông tin cung cấp phải chính xác nhất có thể. Đầu tiên là bạn phải giữ bình tĩnh! Bạn cần mô tả rõ ràng trường hợp khẩn cấp. Thông thường, mô tả tình huống cung cấp cho cuộc gọi khẩn cấp gồm các thông tin sau:
- Chuyện/sự việc xảy ra ở đâu?
- Chuyện/sự việc gì đã xảy ra?
- Chuyện/sự việc xảy ra khi nào?
- Có bao nhiêu người bị ảnh hưởng?
- Loại thương tích/cấp cứu là gì?
- Các thông tin khác cung cấp thêm
Bạn càng mô tả chính xác các sự việc, các nhân viên cấp cứu sẽ càng nhanh chóng tiếp cận và chuẩn bị tốt hơn! Trong trường hợp khẩn cấp, luôn giữ bình tĩnh! Bảo vệ hiện trường vụ việc nếu cần thiết và sơ cứu cho đến khi dịch vụ cấp cứu đến.