Làm việc toàn thời gian ở Đức
Tuần làm việc được xác định là từ thứ Hai đến thứ Bảy. Tuy nhiên, tuần làm việc tiêu chuẩn ở Đức đối với hầu hết các ngành là từ thứ Hai đến thứ Sáu.
Một tuần làm việc toàn thời gian ở Đức trung bình từ 36 - 40 giờ. Có nghĩa là làm việc toàn thời gian ở Đức là 7 hoặc 8 giờ/ngày, với 30 phút hoặc 60 phút nghỉ giải lao vào giờ ăn trưa.
Một số công ty có thể thực hiện thời gian làm việc một tuần dài hơn, nhưng sẽ trả cho nhân viên của họ một mức lương cao hơn hoặc bổ sung ngày nghỉ phép hằng năm.
Theo luật lao động của Đức, thời gian làm việc không được vượt quá 8 giờ/ngày hoặc 48 giờ/tuần.
Không có thời gian làm việc tối thiểu theo luật định. Tuy nhiên, hợp đồng lao động, hoặc thỏa ước lao động tập thể có thể quy định thời gian làm việc bắt buộc hằng ngày, hằng tuần, được xem là thời gian làm việc tối thiểu.
Theo destatis.de, năm 2019 ở Đức, người làm việc toàn thời gian làm việc trung bình 41 giờ mỗi tuần. Trong số những người được khảo sát, các nhà quản lý và những người tự kinh doanh được ghi nhận số giờ làm việc dài nhất.
Làm việc bán thời gian ở Đức
Theo luật của Đức, làm việc dưới 30 giờ mỗi tuần, được phân loại là bán thời gian. Bất kỳ ai làm việc ở Đức dưới 30 giờ mỗi tuần đều được coi là làm việc bán thời gian.
Khi bạn đã làm việc tại công ty được ít nhất 6 tháng, bạn có quyền yêu cầu giảm số giờ làm việc hằng tuần (miễn là công ty đó sử dụng nhiều hơn 15 lao động).
Ở Đức, công việc bán thời gian đang trở nên phổ biến hơn, khi làm việc tự do và chia sẻ việc làm trở nên phổ biến hơn.
Ngày nay, khoảng 15 triệu người Đức làm việc bán thời gian, trong khi 20 năm trước con số này chỉ bằng một nửa. Một lý do cho điều này là ngày càng nhiều phụ nữ có con muốn quay sang làm việc bán thời gian.
Làm thêm ở Đức
Khi nói về làm thêm giờ, bạn cần phân biệt giữa các thuật ngữ "Überstunden" và "Mehrarbeit" của tiếng Đức khi cả hai đều có xu hướng dịch là làm thêm giờ (hoặc tăng ca).
Thuật ngữ "Mehrarbeit" đề cập đến thời gian làm việc vượt quá giới hạn tối đa 48 giờ/tuần (8 giờ/ngày trong một tuần làm việc 6 ngày) được quy định trong Đạo luật về thời giờ làm việc. Người sử dụng lao động có thể kéo dài thời gian này lên đến 10 giờ/ngày, miễn là tổng số giờ làm việc của nhân viên trung bình là 8 giờ/ngày trong khoảng thời gian 6 tháng.
Trong khi đó, "Überstunden" được xem là bất kỳ giờ làm việc nào ngoài số giờ đã thỏa thuận theo hợp đồng lao động. Không giống như “Mehrarbeit”, nó được phép về mặt pháp lý, nhưng thường phải được trả thù lao.
Người sử dụng lao động có thể trả cho nhân viên thời gian làm thêm giờ bằng tiền hoặc bù thời gian nghỉ thay thế có lương. Nhiều người sử dụng lao động ở Đức chọn cách sau.
Quyền được trả thù lao cho số giờ làm thêm giờ của bạn sẽ được quy định trong hợp đồng lao động của bạn.
Tuy nhiên, Thỏa ước tập thể ngành hoặc công ty có thể bao gồm một số điều khoản mà trong trường hợp khẩn cấp, thời gian làm việc tối đa hằng ngày có thể bị vượt quá để giải quyết công việc khẩn cấp nhất định (ví dụ, kho thực phẩm sẽ bị thối rữa, hư hỏng), hoặc ít khẩn cấp hơn (ví dụ công việc trên công trường). Một số công ty cho rằng, làm thêm giờ một chút là một phần bình thường của công việc và sẽ không trả thêm thù lao.
Bên cạnh đó, vi phạm quy định liên quan đến thời gian làm việc ban đêm, làm việc theo ca, nghỉ hằng ngày, nghỉ hằng tuần có thể xảy ra (không phải thường xuyên) trong trường hợp người lao động làm việc trong các khu vực cần tính liên tục của dịch vụ, nếu không thì kết quả công việc có thể gây ra thiệt hại không đáng có, như các hoạt động điều trị, chăm sóc, giám sát người bệnh hoặc động vật...
Nếu áp dụng một trong những trường hợp miễn trừ trên, thì thời gian làm việc trung bình cũng không được vượt quá 48 giờ/tuần trong khoảng thời gian 6 tháng.
Đạo luật về thời gian làm việc là bắt buộc đối với tất cả các mối quan hệ việc làm ở Đức, bất kể quốc tịch của người sử dụng lao động hay người lao động. Do đó, không có lựa chọn nào để loại trừ việc áp dụng pháp luật về thời gian làm việc theo thỏa thuận, trừ khi nó nằm trong một trong các trường hợp miễn trừ nêu trên, cho phép những sai lệch trên cơ sở thương lượng tập thể hoặc thỏa thuận lao động.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về số tiền làm thêm giờ (không được trả lương) mà bạn đang làm, tốt nhất là bạn nên nói chuyện với chủ lao động của mình, hoặc tham khảo ý kiến của luật sư.
Làm việc ngoài giờ hành chính
Số người phải làm việc ngoài giờ hành chính bình thường ở Đức cũng tăng lên. Năm 2019, cứ 5 nhân viên thì có 1 người phải làm việc thường xuyên từ 18 giờ chiều - 23 giờ tối, 5% phải làm việc thường xuyên vào ban đêm. Ngoài ra, 24,1% số người được khảo sát cho biết họ làm việc thường xuyên vào thứ Bảy, trong khi 11,7% nói rằng họ phải làm việc vào Chủ Nhật.
Mặc dù vậy, thời gian làm việc trung bình hằng tuần hiện tại của Đức (34,8 giờ) thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 37 giờ của EU, theo destatis.de.
Nghỉ giải lao
Một nhân viên không được làm việc quá 6 giờ mà không được nghỉ giải lao. Nếu bạn làm việc từ 6 giờ - 9 giờ, được nghỉ tối thiểu 30 phút. Nếu bạn làm việc trên 9 giờ, bạn được nghỉ 45 phút. Thời gian nghỉ có thể được chia thành các lần nghỉ ít nhất là 15 phút.
Trong trường hợp làm việc theo ca, bạn phải được nghỉ hơn 11 giờ giữa các ca làm việc.
Nghỉ ngơi hằng ngày, hằng tuần
Người lao động phải có thời gian nghỉ ngơi hằng ngày tối thiểu là 11 giờ liên tục sau khi kết thúc thời gian làm việc ngày hôm trước hoặc ca hôm trước. Điều này có thể được giảm một giờ trong một số ngành, chẳng hạn như bệnh viện, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vận chuyển, với điều kiện là được nghỉ bù trong vòng một tháng bằng cách kéo dài thời gian nghỉ ngơi khác lên ít nhất 12 giờ.
Ngoài ra, người lao động phải được nghỉ trọn vẹn vào Chủ Nhật. Làm việc vào Chủ Nhật, ngày lễ hầu như không được phép, ngoại trừ những người lao động trong ngành dịch vụ. Trong trường hợp người lao động được tuyển dụng làm việc vào Chủ Nhật hoặc ngày lễ thì một ngày nghỉ khác phải được bù lại trong khoảng 2 tuần sau khi làm việc vào Chủ Nhật và trong khoảng 8 tuần sau khi làm việc vào ngày nghỉ lễ.
Nghỉ lễ/nghỉ phép năm
Ở Đức, nhân viên toàn thời gian (một tuần làm việc 6 ngày) được hưởng tối thiểu 24 ngày nghỉ phép hằng năm có hưởng lương. Nhân viên chỉ làm việc 5 ngày/tuần được nghỉ phép ít nhất 20 ngày mỗi năm có hưởng lương.
Đối với nhân viên bán thời gian, ngày nghỉ phép được tính theo tỷ lệ số giờ, số ngày làm việc hằng tuần của họ.
Trên thực tế, người sử dụng lao động thường cho nhân viên của họ nhiều ngày nghỉ phép hơn, từ 27 - 30 ngày trong năm, không bao gồm các ngày nghỉ lễ.
Trong trường hợp sắp nghỉ việc nhưng có số ngày nghỉ phép chưa sử dụng hết, người lao động được phép yêu cầu người sử dụng lao động trả thù lao cho những ngày nghỉ phép chưa sử dụng. Thông thường, người sử dụng lao động yêu cầu người lao động sử dụng hết ngày nghỉ phép của họ trong thời gian báo trước.
Người sử dụng lao động phải đảm bảo rằng nhân viên của mình có thể nghỉ phép hằng năm có lương. Họ không thể trả tiền cho người lao động về những ngày nghỉ phép không sử dụng. Chỉ vì lý do bất khả kháng mà người lao động chưa sử dụng hết số ngày nghỉ phép năm, người sử dụng lao động mới phải thanh toán tiền cho số ngày nghỉ còn lại.
Bạn được hưởng những ngày nghỉ phép có hưởng lương sau 6 tháng kể từ khi bắt đầu mối quan hệ lao động, theo hợp đồng lao động.
Ở Đức còn có mười ngày nghỉ lễ chính thức mỗi năm mà người lao động được hưởng ngoài quyền được nghỉ phép hằng năm của họ.
Nghỉ ốm đau
Nếu nhân viên bị đau ốm, không thể đi làm, nên thông báo cho chủ sử dụng lao động biết sớm nhất có thể. Hầu hết công ty đều có quy trình về thông báo nghỉ ốm, yêu cầu nhân viên liên hệ với người quản lý và một người nào ở bộ phận nhân sự. Theo luật của Đức, người lao động bị đau ốm được trả lương đầy đủ trong tối đa 6 tuần, thường chỉ một lần trong một năm.
Trường hợp người bị đau ốm trên 6 tuần, có thể nộp đơn xin trợ cấp ốm đau theo luật định, được trả bằng 70% mức lương bình thường của họ, tối đa là 78 tuần. Quyền lợi ốm đau này được bảo hiểm y tế chi trả, cho dù bạn có nhà cung cấp bảo hiểm y tế tư nhân hay nhà nước.
Nghỉ thai sản
Phụ nữ được nghỉ thai sản từ 6 tuần trước khi sinh con cho đến 8 tuần sau khi sinh, tổng cộng 14 tuần. Trong thời gian này, người sử dụng lao động trả lương đầy đủ cho người lao động.
Cả cha và mẹ của trẻ sơ sinh đều có thể nghỉ phép tối đa 3 năm để chăm sóc trẻ sơ sinh cho đến khi đứa trẻ được 3 tuổi. Người sử dụng lao động không cần trả lương cho người lao động trong thời gian này. Cha mẹ của trẻ được hưởng trợ cấp lao động từ nhà nước, thường bằng 67% mức lương bình thường của họ.
Mặc dù Đức là quốc gia có nhiều ngày nghỉ phép năm, cũng như thời gian làm việc trung bình hằng tuần thấp nhất ở châu Âu, nhưng Đức vẫn là một trong những quốc gia làm việc hiệu quả nhất trên thế giới với tỷ lệ việc làm nói chung khá cao.
(Tổng hợp)