Tiếng Đức ở trường đại học
Từ những năm 50 của thế kỷ trước, tiếng Đức đã được dạy và học ở Việt Nam. Lúc đó hằng năm, CHDC Đức nhận nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam sang học tập, bồi dưỡng chuyên môn. Các sinh viên này đều phải được đào tạo, bồi dưỡng một lượng kiến thức cơ bản về tiếng Đức trước khi sang CHDC Đức. Năm 1967, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định thành lập Khoa tiếng Đức, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường Đại học Hà Nội), là cơ sở đào tạo tiếng Đức duy nhất và sớm nhất của cả nước.
Tiếng Đức cũng bắt đầu được giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) từ tháng 10/1992. Đến tháng 11/2001, nhà trường chính thức thành lập Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Tây trực thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Tháng 6/2016, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Tây đổi tên thành Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đức.
Cũng vào năm 1992, từ nhu cầu thực tế, Ban Tiếng Đức trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh) được thành lập, bắt đầu đào tạo bậc đại học chuyên ngành tiếng Đức năm học 1992 - 1993 (hệ mở rộng). Từ năm 1993, chương trình đào tạo tiếng Đức thuộc hệ đại học chính quy, kéo dài 4 năm. Ngày 23/12/2002, Ban Tiếng Đức đổi tên thành Khoa Ngữ văn Đức…

Tiếng Đức ở trường phổ thông
Nhiều trường phổ thông ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh đã đưa tiếng Đức vào giảng dạy từ nhiều năm qua. Có thể kể như:
- Hà Nội: THCS Đống Đa, THCS và THPT Lomonosov, THPT Việt Đức, THPT Kim Liên, THPT Chu Văn An, THPT Nguyễn Gia Thiều, THPT chuyên ngoại ngữ.
- Đà Nẵng: THCS Trần Quý Cáp, THCS Nguyễn Thiện Thuật
- TP. Hồ Chí Minh: THCS Lê Quý Đôn, THCS Võ Trường Toản, THCS Thực nghiệm Sài Gòn, THCS và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT Marie Curie.
Thực tế, từ tháng 5/2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Ngoại giao CHLB Đức đã hợp tác thí điểm đưa tiếng Đức vào giảng dạy như ngoại ngữ 2 tại một số trường THCS và THPT ở Việt Nam.
Đến tháng 7/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Đại sứ quán CHLB Đức ký kết Thỏa thuận hợp tác về việc đưa vào và thực hiện giảng dạy tiếng Đức như ngoại ngữ 1 hoặc ngoại ngữ 2 tại các trường THPT ở Việt Nam.
Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã ra Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT ngày 9/2/2021 về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) môn tiếng Đức, tiếng Hàn - ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm. Như vậy, tiếng Đức đã được dạy như ngoại ngữ 2 (môn tự chọn) từ khá lâu (gần 15 năm), trước khi Bộ GD-ĐT ban hành Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT.
Theo Bộ GD-ĐT, việc dạy học các môn ngoại ngữ trong trường phổ thông được triển khai từ nhiều năm qua. Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc, gồm các môn tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc; ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn, có tiếng Đức, tiếng Hàn.
Sau thời gian thí điểm dạy tiếng Đức, tiếng Hàn là ngoại ngữ 2 ở một số địa phương cho thấy đạt hiệu quả và nhu cầu học tập của học sinh ngày càng nhiều hơn. Các cơ sở GDPT và học sinh có nguyện vọng lựa chọn môn học này là ngoại ngữ 1, để phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh.
Từ các nhu cầu thực tế nói trên, Bộ GD-ĐT quyết định thí điểm dạy tiếng Đức, tiếng Hàn là ngoại ngữ 1 để học sinh lựa chọn theo nhu cầu. Khi tiếng Đức, tiếng Hàn được giảng dạy như ngoại ngữ 1, học sinh yêu thích hai thứ tiếng này có thể lựa chọn để học tập, giảm bớt áp lực khi lựa chọn tiếng Đức, tiếng Hàn là ngoại ngữ 2 vẫn phải học song song ngoại ngữ 1 khác.
Bộ GD-ĐT cho biết, việc đưa tiếng Đức, tiếng Hàn vào giảng dạy cũng là nội dung thỏa thuận khung giữa Việt Nam với CHLB Đức, Hàn Quốc về việc dạy tiếng Đức, tiếng Hàn ở trường phổ thông Việt Nam.
Sau thời gian dạy thí điểm là ngoại ngữ 1, Bộ GD-ĐT sẽ đánh giá tính hiệu quả và khả thi, qua đó xem xét việc đưa tiếng Đức, tiếng Hàn chính thức trở thành ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT.
Theo Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, thông qua chương trình GDPT môn tiếng Đức, học sinh kết thúc tiểu học (lớp 3, 4, 5) đạt bậc 1 (tương đương A1 theo Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ/CEFR), học sinh kết thúc THCS (lớp 6, 7, 8, 9) đạt bậc 2 (tương đương A2 theo CEFR), học sinh kết thúc THPT (lớp 10, 11, 12) đạt bậc 3 (tương đương B1 theo CEFR).

Viện Goethe
Không chỉ được dạy chính quy tại một số trường đại học, trường phổ thông, tiếng Đức còn được Viện Goethe chiêu sinh đào tạo thường xuyên. Viện Goethe là một tổ chức văn hóa của CHLB Đức, hoạt động trên phạm vi toàn thế giới. Viện Goethe Hà Nội được thành lập năm 1997. Mục đích quan trọng của Viện là hỗ trợ việc giao lưu văn hóa giữa Việt Nam, Đức và châu Âu.
Trong khi đó, Viện Goethe TP. Hồ Chí Minh được thành lập vào năm 2004 với mục đích ban đầu như là một trung tâm tiếng Đức tại Sài Gòn. Mỗi năm có khoảng 2.000 người tham dự các khóa học tại đây.
Còn tại Đà Nẵng, Trung tâm Đức ngữ Ngôi nhà Đức cũng tổ chức lớp học; sử dụng giáo trình nguyên bản, cập nhật từ Đức; do các giáo viên của Viện Goethe giảng dạy theo các phương pháp tiên tiến; phối hợp với Viện Goethe tổ chức các kỳ thi lấy chứng chỉ, văn bằng của Viện Goethe đạt chuẩn quốc tế.
Tiếng Đức không chỉ được giảng dạy ở một số trường đại học, trường phổ thông, Viện Goethe, mà còn được dạy tại hằng trăm trung tâm ngoại ngữ ở khắp cả nước.
Không phải ngoại ngữ hiếm!
Với hơn 150 triệu người nói tiếng Đức là tiếng mẹ đẻ, tiếng Đức là một trong những ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.
Nền kinh tế Đức tăng trưởng ổn định, là nền kinh tế đứng số 1 châu Âu, đứng thứ 4 trên thế giới. Ngành khoa học kĩ thuật Đức nổi tiếng toàn cầu với số lượng phát minh top 3 thế giới…
Nhu cầu giao tiếp, giao thương, nghiên cứu, học tập bằng tiếng Đức nhờ vậy mà tăng mạnh, số lượng người học ngoại ngữ tiếng Đức trên toàn cầu tăng ngày càng nhanh.
Nghĩ rằng tiếng Đức là ngoại ngữ hiếm thì người học chỉ so sánh tiếng Đức với tiếng Anh, tiếng Pháp được giảng dạy, sử dụng ở Việt Nam. Nếu bước ra ngoài thế giới, học tập và làm việc ở châu Âu, bạn sẽ thấy môi trường ngoại ngữ khác hẳn!
Bạn thấy đó, tiếng Đức được dạy ở Việt Nam từ khá sớm và ngày càng phổ biến ở bậc phổ thông. Định hướng đào tạo tiếng Đức của ngành giáo dục Việt Nam là bước đi cơ bản, từng bước cho các bạn trẻ quan tâm học tiếng Đức, đặc biệt là xu hướng du học Đức ngày càng tăng.