Phân loại rác đúng cách là điều kiện tiên quyết để tái chế

Phân loại rác đúng cách là trách nhiệm để bảo vệ môi trường

Tại Đức, hơn 40 triệu tấn rác sinh hoạt được tạo ra mỗi năm, phần lớn trong số đó là bao bì. Cho dù bao bì được làm bằng giấy, nhựa hay thủy tinh… thì việc tránh lãng phí bao bì được ưu tiên hàng đầu!

Người Đức rất coi trọng việc phân loại rác, xem đó như một phần nghĩa vụ của mọi người đối với bảo vệ môi trường, qua đó giúp dễ tái chế rác hơn. Việc phân loại rác không đúng, rác sẽ không được thu gom và có thể bị phạt tiền.

Hệ thống phân loại rác được thiết kế theo các nguyên tắc khác nhau, về cơ bản dựa trên tình trạng chất thải hoặc nguồn gốc chất thải.

Màu sắc thùng rác

Những chiếc thùng rác đầy màu sắc của người Đức giúp họ có để thu gom các loại rác khác nhau. Đây là những gì bạn cần biết về nó. Quy định ý nghĩa màu sắc thùng rác có thể khác nhau theo từng vùng ở Đức. Ví dụ, ở Berlin:

Thùng màu xanh dương: Bỏ giấy các loại, như báo, tạp chí, sách cũ, bao bì bằng giấy, bìa cứng… Lưu ý, không bỏ hộp giấy còn dính các loại thức ăn, bởi thức ăn thừa có thể tạo ra vấn đề trong quá trình tái chế.

Tái chế giấy là một truyền thống lâu đời ở Đức: Nó được phát minh bởi một luật sư tên là Justus Claproth vào năm 1774.

Thùng màu nâu: Bỏ rác hữu cơ có thể phân hủy (thức ăn thừa, sản phẩm từ sữa, thịt, cá, rau hoa quả, vỏ trứng, lá cây…), không bao gồm chất lỏng, phân trộn trong vườn. Chất thải hữu cơ có thể xử lý phân hủy sinh học hoặc xử lý trong một nhà máy lên men sinh học.

Thùng màu vàng/da cam: Bỏ vật liệu tái chế, các loại chất dẻo (như bao bì nhựa, nhôm, lon thiếc, bàn chải đánh răng, chai dầu gội, hộp xịt rỗng không có ký hiệu chất nguy hiểm…). 

Ở một số khu vực, thay vì các thùng, túi ni lông màu vàng được sử dụng để thu gom các loại bao bì. Chúng được biết đến với cái tên nổi tiếng là "Yellow Sack". Những chiếc túi này phải được đặt bên ngoài vào những ngày dự kiến do cộng đồng lên kế hoạch để thu gom.

Túi ni lông màu vàng được sử dụng để gom bao bì

Thùng xanh lá cây: Chứa Thủy tinh. Chỉ vứt chai, lọ dùng một lần và thủy tinh được phân loại theo màu. Không được vứt ly uống nước, chai, lọ bể, mảnh kính vỡ. Nắp chai cũng thường nằm trong một thùng riêng, vì chúng có thể làm gián đoạn trong quá trình tái chế.

Thùng màu đen (hoặc xám tùy vùng): Bỏ rác thải bất cứ thứ gì còn lại không nên bỏ vào các thùng trước đó, không chứa chất độc hại, nhưng khó phân hủy như tàn thuốc lá, tro, đầu mẫu thuốc lá, tã lót, băng gạc vệ sinh, sản phẩm làm từ da và đồ giả da.

Các loại rác đặc biệt

Có những loại rác không bỏ vào trong thùng rác gia đình, bất kể là thùng nào. Chúng thường được mang đến trung tâm tái chế hoặc các điểm thu gom khác. Ví dụ:

Rác độc hại, nguy hiểm. Không được vứt vật dụng có chứa những thành phần nguy hiểm, độc hại như pin - ăc quy, điện thoại di động, cục sạc, đèn tiết kiệm điện, đèn ống huỳnh quang, thiết bị điện cũ và hỏng (máy sấy, máy nướng bánh mì,…), hóa chất độc hại (thuốc diệt côn trùng)… vào thùng rác gia đình. Chúng phải được xử lý tại cửa hàng hoặc điểm thu gom đặc biệt (các bãi rác tái chế).

Không được vứt pin vào thùng rác

Nhiều siêu thị thu gom pin đã qua sử dụng, hoặc ở bất cứ nơi nào chúng được bán. Mỗi khu vực đều có hệ thống thu gom rác thải nguy hại. Sở dĩ những đồ vật này không nên vứt trong thùng rác thông thường, bởi khi thiêu hủy, những vật dụng này sẽ thải ra khí độc khi bị đốt cháy.

Các thiết bị điện có thể được thu hồi miễn phí tại các kho tái chế, hoặc cả những siêu thị điện máy lớn, bạn nên liên hệ trước để đem đến.

Rác cồng kềnh. Những đồ vật to lớn không bỏ vừa thùng rác được gọi là rác cồng kềnh, sẽ được thu gom riêng. Ví dụ như nệm, ghế sofa, đồ nội thất cũ, thảm, vật liệu xây dựng, thau chậu… Bạn phải gọi cho công ty môi trường hay trung tâm tái chế đến thu gom, tái chế hoặc bán ở các khu chợ đồ cũ.

Nhiều người Berlin chỉ để những món đồ bên ngoài ngôi nhà của họ với tấm biển "to give away" (cho đi), với hy vọng hàng xóm sẽ sử dụng lại đồ của họ nếu cần.

Đĩa CD, DVD và Blu-Rays được làm bằng 99% polycarbonate chất lượng cao và lớp phủ có chứa bạc quý giá. Thông qua việc tái chế các đĩa CD được thu gom riêng rẽ về mặt kỹ thuật…, ngành công nghiệp sẽ nhận lại các nguyên liệu thô có giá trị.

Những lưu ý khác

Trả chai, hoàn lại tiền

Chai nhựa thường có "tiền cọc" khi mua, sau khi dùng hết, bạn có thể trả lại siêu thị hay cửa hàng để được hoàn tiền.

Hoặc bạn bỏ chai vào máy thu gom chai tự động, đặt ở hầu hết các siêu thị lớn, sau đó nhận lại bill hoàn tiền cho bạn từ khe của máy, để dành đi mua hàng sau này. Vì nhiều người Đức uống nước có ga nên việc trả lại chai là một việc thường xuyên.

Thùng đặc biệt cho quần áo

Quần áo và giày dép đã qua sử dụng không cần phải bỏ vào thùng rác. Các thùng để thu gom chúng có thể được tìm thấy ở hầu hết các thành phố. Các tổ chức từ thiện có thể thu gom, xử lý, phân phối lại quần áo tái chế.

Một số người thích cho phép bất kỳ ai được chọn trước, bằng cách để quần áo đã sử dụng của họ bên cạnh thùng thay vì bên trong thùng. 

Đừng đổ quá đầy

Khi thùng rác quá đầy, người thu gom rác có thể từ chối đổ rác. Vì vậy, việc đổ thêm rác lên trên thùng đã đầy sẽ không hữu ích.

Nếu bạn thắc mắc, tại sao nhiều ngôi nhà giữ lại rác trong  thùng của họ, đó là cách để tránh mọi người cứ đổ rác vào thùng đã quá đầy.

Cho dù sinh sống và định cư ở Đức bao nhiêu lâu, bạn chỉ được coi là công dân Đức nếu biết… phân loại và xử lý rác đúng cách!