Vì sao gọi là đào tạo kép?
Sau khi tốt nghiệp PTTH (Abitur), học sinh có các lựa chọn: học đào tạo nghề toàn thời gian, học đào tạo nghề kép, hoặc học đại học.
Theo số liệu năm 2019 của Viện Giáo dục và đào tạo nghề liên bang Đức (BIBB), gần 53% dân số tham gia đào tạo nghề kép; gần 93% dân số tốt nghiệp đào tạo nghề kép. Cơ hội có việc làm sau khi tốt nghiệp đào tạo nghề kép rất cao: 96,4% học viên có việc làm. (https://www.bibb.de/dokumente/pdf/govet_praesentation_dual_vet_nov_2019_vnm.pdf).
Trong đào tạo nghề kép ("Duale" Ausbildung), người học được đào tạo 70% thời gian tại doanh nghiệp, 30% thời gian ở các trường dạy nghề.
Sự kết hợp giữa trường dạy nghề và doanh nghiệp là lý do tại sao hệ thống này được gọi là đào tạo nghề kép.
Trong hệ thống đào tạo nghề kép của Đức, sự gắn kết giữa Chính phủ và doanh nghiệp thể hiện qua việc hai bên cùng đầu tư vào đào tạo nghề kép, xây dựng chuẩn đào tạo, tổ chức kiểm tra đánh giá người học…
Sự gắn kết này đảm bảo chương trình đào tạo sát thực tiễn, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Chính phủ muốn doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề nhằm đáp ứng nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động, giảm được ngân sách đầu tư cho đào tạo nghề. Doanh nghiệp tham gia đào tạo để có nguồn lao động chất lượng, không phải đào tạo lại, và cũng là thực hiện trách nhiệm với xã hội.

Các thông tin về đào tạo nghề kép và thị trường lao động của CHLB Đức luôn đảm bảo tính hệ thống, chi tiết và cập nhật. (https://www.ausbildung.de/)
Với quy mô và hiệu quả đào tạo của mô hình như vậy nên đào tạo kép được xem là trụ cột của hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Đức.
Chuẩn đào tạo
Chuẩn đào tạo trong mô hình đào tạo kép gồm chương trình đào tạo tại doanh nghiệp và chương trình khung đào tạo tại các trường nghề.
Chương trình đào tạo tại doanh nghiệp luôn đảm bảo hài hòa với chương trình khung tại trường nghề để nội dung đào tạo tại hai bên phù hợp, bổ sung cho nhau.
Điểm đáng chú ý là quy trình xây dựng, cập nhật chuẩn đào tạo nghề kép thường không kéo dài quá 01 năm để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.
Trong hệ thống đào tạo kép, việc tuân thủ chặt chẽ chuẩn đào tạo giúp đảm bảo chất lượng của bằng cấp, dù người học được đào tạo tại doanh nghiệp khác nhau ở các địa bàn khác nhau. Điều này tạo nhiều cơ hội việc làm hơn cho người học, tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động.
Cũng nói thêm là học đào tạo nghề kép ở Đức thật sự nghiêm túc, không hề dễ dàng. Mặc dù đa phần các khoá Ausbildung nhận học viên từ độ tuổi 16 (tốt nghiệp lớp 10), nhưng đó là với dân Đức (hoặc đi học ở trường lớp Đức từ nhỏ).
Còn những bạn từ Việt Nam muốn sang Đức du học nghề kép, tốt nhất là những bạn đã tốt nghiệp PTTH (lớp 12) và được xét tuyển vào đại học hoặc cao đẳng ở VN. Những người như vậy, mới đủ trình độ để vượt qua rào cản ngôn ngữ (yêu cầu B1-B2), đủ "cứng cáp" để đáp ứng yêu cầu công việc cũng như phong cách làm việc kỷ luật cao của người Đức.
Trong mô hình đào tạo kép, với 70% thời gian đào tạo tại doanh nghiệp có nghĩa người học được thực hành rất nhiều trong môi trường làm việc thực tế. Điều này khuyến khích người học phấn đấu để đảm nhận được các công việc của doanh nghiệp, giúp học viên có động lực học tập, giảm tỷ lệ bỏ học, thúc đẩy hòa nhập xã hội của người học. Được học và làm việc trực tiếp trong các doanh nghiệp nên học viên được thực hành và va chạm thực tế nhiều, nhờ vậy tay nghề và kiến thức của họ rất chắc.
Học phí/Chi phí đào tạo
Thay vì phải trả một khoản học phí khi học đào tạo nghề kép như ở nhiều nước khác thì ở Đức hầu hết học viên còn được trả trợ cấp khi học nghề. Nhiều người nghe qua điều này rất ngạc nhiên nhưng đó là sự thật. Các tập đoàn, doanh nghiệp làm ăn tốt và thực sự có tiềm lực kinh tế, họ sẽ trả trợ cấp cho học viên của họ, thậm chí là mức khá cao.

Yêu cầu đầu tiên để theo học đào tạo nghề kép là phải được một doanh nghiệp Đức đồng ý nhận vào thực hành. Các doanh nghiệp sau khi kiểm tra hồ sơ, năng lực của người học, nếu thấy đáp ứng yêu cầu, doanh nghiệp và người học sẽ ký hợp đồng đào tạo.
Trong hợp đồng đào tạo có quy định: thời gian bắt đầu đào tạo, thời gian kết thúc đào tạo, nội dung đào tạo, thời gian nghỉ ngơi, trợ cấp đào tạo…
Theo thống kê, trợ cấp trung bình các bạn học nghề tại Đức được trả là 908 €/tháng (https://www.bibb.de/dokumente/pdf/govet_praesentation_dual_vet_nov_2019_vnm.pdf). (khoảng 25 triệu VND/tháng).
Tuy nhiên, đây là con số trung bình, tức là tuỳ từng ngành nghề và từng doanh nghiệp thì mức trợ cấp học nghề có thể cao hơn hoặc thấp hơn.
Tốt nghiệp và bằng cấp đào tạo
Thời gian học đào tạo nghề kép từ 2 - 3,5 năm tùy ngành nghề và bậc đào tạo trong khung trình độ quốc gia.
Để tốt nghiệp, người học phải đỗ kỳ thi theo chuẩn quốc gia. Nội dung lý thuyết và thực hành trong các bài thi tốt nghiệp ở toàn bộ 16 bang đảm bảo theo chuẩn như nhau. Thi lý thuyết được tổ chức thi chung, cùng một thời gian trên toàn quốc.
Như vậy, dù nội dung đào tạo tại các trường nghề có thể không hoàn toàn giống nhau do được quy định bởi các chính quyền bang khác nhau, nhưng kỳ thi tốt nghiệp phải đảm bảo sự thống nhất cấp quốc gia và bằng cấp được cấp theo khung trình độ quốc gia.
Điều quan trọng nhất sau khi tốt nghiệp đào tạo nghề kép là học viên có đủ trình độ và bằng cấp cần thiết để sẵn sàng đón nhận cơ hội việc làm có thu nhập cao; hoặc đủ khả năng tiếp cận các cơ hội nghề nghiệp, cơ hội học tập khác…
Hệ thống đào tạo nghề kép ở Đức được thế giới đánh giá hiệu quả cao do hình thành từ lâu đời; được sự quan tâm, cam kết và khả năng của các doanh nghiệp trong công tác đào tạo; năng lực quản lý chặt chẽ của Chính phủ; nguồn giáo viên và cán bộ đào tạo nghề có năng lực…
Một đàn ong chỉ cần duy nhất một ong chúa, nhưng phải có hàng trăm, hàng ngàn ong thợ. Bởi lẽ, có quá nhiều "ong chúa" và quá ít "ong thợ" thì khó có thể sản xuất ra được nhiều mật ngọt.
Không có ong chúa thì đàn ong khó mà tồn tại, nhưng không có ong thợ thì cả đàn cũng chết. Ong chúa phụ trách một nhiệm vụ, ong thợ phụ trách những nhiệm vụ khác.
Đại học và đào tạo nghề kép cũng vậy. Xã hội cần cả hai nguồn nhân lực. Thậm chí, một số công việc đòi hỏi nhân lực vừa trải qua học nghề, vừa học đại học mới có đủ kĩ năng để làm. Người Đức hiểu rất rõ rằng, việc “sính” đại học mà xem nhẹ đào tạo những người giỏi tay nghề, sớm muộn cũng sẽ gây ra hậu quả cho nền kinh tế nước Đức. Thế nên, đào tạo nghề kép được Chính phủ, doanh nghiệp, hệ thống giáo dục của Đức chú trọng, quan tâm đầu tư.
Công ty MaxCare hân hạnh hỗ trợ các bạn học viên quan tâm đến đào tạo nghề kép tại Đức.